top of page

5 CÁCH LÀM XÀ PHÒNG HANDMADE TẠI NHÀ

  • midistory
  • Sep 29, 2021
  • 6 min read

Updated: Oct 25, 2021

Nếu bạn là người mới bắt đầu và muốn làm xà phòng thủ công nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu hoặc không biết cách nào làm xà phòng là phù hợp với mình thì đây là bài viết dành cho bạn. Bài viết này mình sẽ chia sẻ 5 cách để làm xà phòng thủ công tại nhà, mỗi một cách sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau, mình sẽ nói chi tiết khi đi vào từng phương pháp. Dựa vào đó bạn có thể chọn cho mình một phương pháp phù hợp để thỏa mãn đam mê hay cho công việc kinh doanh của mình. Đồng thời sẽ tiết kiệm cho bạn được khá nhiều thời gian khi tìm hiểu vê lĩnh vực xà phòng handmade. Giờ thì cùng mình đi vào từng cách cụ thể nhé.

MỤC LỤC BÀI VIẾT


1. LÀM XÀ PHÒNG THEO PHƯƠNG PHÁP LẠNH (Cold process soap making)


hai bánh xà phòng handmade với các lát chanh khô

  • Đây là cách sản xuất xà phòng yêu thích của mình, đa số sản phẩm xà phòng của mình là từ phương pháp lạnh. Với phương pháp này bạn có thể hoàn toàn kiểm soát và quyết định được thành phần trong bánh xà phòng của mình, từ loại thảo mộc thêm vào xà phòng cho đến các loại dầu dưỡng như dầu olive, dầu dừa...và cả tạo màu tự nhiên cho xà phòng nếu muốn.

  • Xà phòng sản xuất theo phương pháp lạnh được làm từ việc kết hợp chất béo hoặc dầu thực vật như dầu cọ, dầu dừa, dầu olive...kết hợp với dung dịch kiềm (Naoh - natri hydroxit) và nước ở nhiệt độ thấp. Các nguyên liệu này được trộn đều vào nhau, trải qua quá trình xà phòng hóa khoảng từ 4 - 6 tuần sẽ thành xà phòng hoàn thiện khi đó lượng kiềm trong xà phòng cũng đã phản ứng hoàn toàn và không còn trong bánh xà phòng của chúng ta nữa (Nếu công thức đúng và đo lường lượng kiềm, dầu chính xác).

Nếu bạn muốn học cách làm xà phòng theo phương pháp này thì có thể tham khảo bài viết “10 bước làm xà phòng thủ công theo phương pháp lạnh” của mình tại đây.

  • Ưu điểm:

- Kiểm soát được thành phần trong xà phòng.

- Xà phòng chứa nhiều glycerine – chất dưỡng ẩm, làm mềm da được sản sinh ra trong quá trình xà phòng hóa.

  • Nhược điểm:

- Yêu câu tính toán công thức và đo lường chính xác các thành phần để xà phòng không bị dư kiềm, nếu dư kiềm xà phòng sẽ gây khô da, tệ hơn là bào mòn da bạn, sẽ không thể sử dụng được. Còn nếu dư nhiều dầu, xà phòng của bạn sẽ bị mềm, nhão...

- Yêu cầu 4 - 6 tuần ủ xà phòng để xảy ra quá trình xà phòng hóa hoàn toàn mới có thể sử dụng được.


2. LÀM XÀ PHÒNG BẰNG PHÔI XÀ PHÒNG (Melt and pour soap base).


hai bánh xà phòng handmade và chiếc muỗng, khăn, chén đựng nguyên liệu làm xà phòng

  • Nếu bạn chưa biết phôi xà phòng là gi? Phôi xà phòng có loại nào? Hoặc lo lắng không biết phôi xà phòng có tốt không? Thì hãy đọc bài viết này nhé. Mình có dành hẳn một bài để phân tích và giải đáp thắc mắc về phôi xà phòng.

  • Phôi xà phòng thường ở dạng khối, có màu trắng đục hoặc trong suốt. Khi mua về chúng ta chỉ việc cắt thành từng miếng nhỏ và nấu chảy trong lò vi sóng hoặc đun cách thủy cho phôi tan chảy, khi đó bạn cỏ thể tùy ý thêm các loại bột thảo mộc, hoặc thêm hoa khô trang trí, thêm tinh dầu để tạo hương thơm cho xà phòng dễ dàng. Đổ ra khuôn chờ xà phòng đông lại là có thể sử dụng được ngay. Mình hay sử dụng phôi xà phòng dầu dừa, xuất xứ Việt Nam sản xuất, các bạn có thể tham khảo phôi xà phòng ở đây nhé.

  • Một vài công thức và video làm xà phòng từ phôi có thể bạn sẽ thích:

  • Ưu điểm:

- Dễ dàng và nhanh chóng. Có thể thỏa sức trang trí, tạo hình màu sắc, kiểu dáng cho xà phòng theo ý thích.

- Không cần phải xử lí dung dịch kiềm.

- Sử dụng được ngay.

  • Nhược điểm:

- Không kiểm soát được các thành phần trong xà phòng. Chất lượng xà phòng phụ thuộc 90% vào chất lượng phôi xà phòng.


3. LÀM XÀ PHÒNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP NÓNG (Hot process)


  • Làm xà phòng bằng phương pháp nóng gần giống với cách làm xà phòng bằng phương pháp lạnh. Với phương pháp này bạn cũng cần phải có công thức và đo lường các thành phần chính xác trước khi tiến hành. Bạn cũng có thể sử dụng chung một công thức cho cả hai phương pháp này.

  • Sự khác biệt giữa hai phương pháp này làm theo phương pháp nóng thì bạn sẽ trộn dầu và kiềm và nấu ở nhiệt độ vừa phải trong nồi sành hoặc nồi nấu sử dụng nhiệt. Kết thúc quá trình nấu bạn đổ xà phòng ra khuôn. Xà phòng làm theo phương pháp nóng có thể mang ra sử dụng ngay sau khi xà phòng cứng lại.

  • Ưu điểm:

- Có thể sử dụng ngay, không cần ủ xà phòng lâu.

- Kiểm soát được thành phần trong xà phòng.

  • Nhược điểm:

- Mất nhiều thời gian hơn làm xà phòng lạnh.

- Yêu câu tính toán công thức và đo lường chính xác các thành phần trong xà phòng.


4. LÀM XÀ PHÒNG LỎNG


hũ thủy tinh đựng xà phòng cà bánh xà phòng hình cây thông

  • Sự khác biệt giữa làm xà phòng bằng phương pháp lạnh/nóng và làm xà phòng lỏng đó là loại dung dịch kiềm sử dụng. Trong xà phòng lạnh/nóng, bạn sử dụng NAOH – Natri hydroxit còn làm xà phòng lỏng thì sử dụng KOH – Kali hydroxit. Xà phòng lòng thường tiện dụng và dễ sử dụng hơn xà phòng bánh. Nhưng một số soaper lại thích làm xà phòng dạng bánh hơn vì nó có thể tạo hình thậm chí là làm thành tranh (soap art), đa dạng màu sắc và thỏa niềm đam mê trang trí sáng tạo.

  • Ưu điểm:

- Dễ bảo quản, sử dụng.

  • Nhược điểm:

- Phức tạp hơn các phương pháp làm xà phòng trên, đòi hỏi cần thời gian nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn.


5. LÀM XÀ PHÒNG BẰNG CÁCH NẤU LẠI XÀ PHÒNG VỤN


các ca nhữa chứa vụn xà phòng

  • Cách này khá đơn giản, gần giống với phương pháp làm xà phòng từ phôi. Nếu bạn có xà bông vụn từ những bánh xà phòng bạn đã làm trước đó, bạn có thể bào nhỏ chúng ra thành sợi sau đó đun chảy nhẹ nhàng, sau khi xà phòng tan chảy hoàn toàn bạn có thể đổ ra khuôn. Kinh nghiệm của mình là bạn sẽ có thể phải sử dụng thêm một lượng nước tinh khiết (không dùng nước máy nhé) để cho thêm vào giúp xà phòng ẩm hơn, vì chúng thường đông lại rất nhanh hoặc bị vón cục.

  • Ưu điểm:

- Không cần xử lí dung dịch kiềm.

- Tiết kiệm và tránh lãng phí xà phòng vụn.

  • Nhược điểm:

- Thành phẩm sẽ không được đẹp lắm, hay sần xùi, không được mịn và dễ dàng tạo hình được như làm từ phôi xà phòng.


Trên đây là tổng hợp các cách làm xà phòng handmade tại nhà. Bạn có thể tham khảo và tìm ra phương pháp làm xà phòng phù hợp với mục tiêu của mình nhé. Lời khuyên nho nhỏ của mình đó là nếu bạn làm xà phòng theo hướng kinh doanh hoặc nghệ thuật thì nên làm bằng phương pháp lạnh. Còn nếu bạn chỉ thích khám phá và trải nghiệm làm xà phòng thì phương pháp làm từ phôi xà phòng sẽ hợp với bạn, vì bạn sẽ không cần tốn quá nhiều thời gian, công sức để tự mày mò công thức, đầu tư dụng cụ...mà còn được tự do sáng tạo trang trí xà phòng theo nhiều cách khác nhau.


Bạn thích làm xà phòng theo phương pháp nào nhất? Chia sẻ cách bạn làm qua bình luận nhé! Cám ơn các bạn đã đọc bài viết!


KẾT NỐI VỚI MÌNH:


Comments


  • Facebook
  • Twitte
  • Pinteres
  • Instagram

Thanks for submitting!

© 2023 by Design for Life.
Proudly created with Wix.com

bottom of page